Bôi bẩn cô dâu (Scotland)
Theo truyền thống trước ngày cưới của người Scotland, cô dâu thường bất ngờ bị tạt, đổ những thứ đồ dơ bẩn vào người như trứng, nước sốt, lông gà vịt… Rồi trong bộ dạng đó, cô sẽ phải đi diễu hành khắp phố phường cho tất cả mọi người cùng “chiêm ngưỡng”.
Đập vỡ chén dĩa (Đức)
Một tập tục khá thú vị của người Đức đòi hỏi phải đập vỡ một số lượng lớn chén đĩa trước lễ cưới và bắt cô dâu chú rể phải dọn sạch. Người ta tin rằng việc dọn dẹp đống chén dĩa vỡ bừa bãi mà gia đình và bạn bè đã cố công bày ra sẽ giúp hai người chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống chung sắp tới.
Bắt cóc cô dâu (Đức)
Ở nhiều ngôi làng nhỏ trên khắp nước Đức, bạn bè của cô dâu và chú rể sẽ bắt cóc cô dâu và giấu ở một nơi nào khác để chú rể phải đi tìm. Chú rể sẽ bắt đầu tìm kiếm ở các quán rượu. Ở đây, chú rể sẽ mời mọi người cùng tham gia vào cuộc tìm kiếm của mình sau khi chiêu đãi tất cả một bữa ra trò.
Cưa gỗ (Đức)
Cưa gỗ là một truyền thống khác của người Đức để thử những kỹ năng thể chất của cô dâu và chú rể. Sau đám cưới, một khúc gỗ được đặt giữa hai giá cưa để cặp vợ chồng mới cưới phải cùng nhau cưa chúng ra làm hai. Việc này được xem là một biểu hiện về khả năng xoay sở và cùng nhau giải quyết những sự việc nảy sinh một khi họ đã kết hôn.
Nghi thức Mehndi (Ấn Độ)
Theo truyền thống, lễ cưới của người Ấn Độ thường diễn ra trong nhiều ngày và bao gồm nhiều nghi lễ phức tạp như “medhndi”, một nghi thức vẽ các hoa văn phức tạp lên tay, chân cô dâu. Ý tưởng này sẽ khiến cô dâu có cảm giác mình giống như một nàng công chúa khi chuẩn bị bắt đầu một cuộc sống mới.
Đánh cắp giày chú rể (Ấn Độ)
Trong tập tục này, nhà gái sẽ lấy cắp giày chú rể và nhà trai có nhiệm vụ bảo vệ đôi giày khỏi sự đánh cắp của nhà gái. Suốt lễ cưới, chú rể sẽ tháo giày ra trước khi tiến vào bàn thờ làm lễ. Nhà gái bắt buộc phải cố bằng mọi cách để trộm cho được giày của chú rể. Trái lại, bên nhà trai cũng phải cố hết sức giấu và bảo vệ đôi giày. Nếu nhà gái đánh cắp được giày thì chú rể sẽ phải trả một món tiền bất kỳ mà nhà gái đưa ra để chuộc lại giày mình.
Chơi nhặt đồng xu (Ấn Độ)
Trò chơi nhặt đồng xu diễn ra sau lễ cưới khi cô dâu, chú rể cùng về bên phía nhà trai. Các đồng xu và những món đồ khác được đặt chung vào một tô lớn lớn đựng nước màu đỏ đã được hòa từ bột nghệ đỏ.
Cặp vợ chồng mới cưới sẽ cùng thò cả hai tay vào tô nước đó để nhặt ra một món bất kỳ. Cả hai sẽ phải làm đi làm lại nhiều lần và người nào lấy được những món đồ chỉ định rõ nhất sẽ trở thành người nắm quyền hành trong gia đình.
Bỏ đồng xu trong giày cô dâu (Thụy Điển)
Một tập tục cổ rất được người Thụy Điển tôn sùng là để cô dâu đi đôi giày được bỏ những đồng xu bên trong. Một đồng bạc của cha cô sẽ được bỏ vào bên trong chiếc giày trái, trong khi một đồng vàng của mẹ lại được đặt trong giày phải. Điều này có ý nghĩa để đảm bảo chắc chắn cho cuộc sống của cô sẽ không bao giờ bị thiếu hụt về tiền bạc.
Hôn cô dâu, chú rể (Thụy Điển)
Tại các tiệc cưới của người Thụy Điển, khách khứa sẽ có cơ hội được hôn cô dâu hoặc chú rể. Nếu cô dâu đi vào phòng vệ sinh, tất cả phụ nữ tại bữa tiệc sẽ xếp hàng để hôn chú rể. Ngược lại, nếu không có mặt chú rể thì tất cả đàn ông sẽ được hôn cô dâu.
Gõ xoong nồi (Pháp)
Người Pháp lại có một truyền thống sau lễ cưới khá thú vị có tên là “Chiverie”. Gia đình và bạn bè của cặp vợ chồng mới cưới sẽ tụ họp lại vào đêm tân hôn và gõ nồi chảo lanh canh, rung chuông và thổi kèn để làm giật mình và phá bĩnh đôi vợ chồng. Khi nghe thấy tiếng ồn, cặp vợ chồng mới cưới sẽ ra ngoài, vẫn mặc nguyên đồ cưới, và sẽ “hối lộ” những người phá đám kia bằng nhiều món ăn.
Nhảy qua chổi (Mỹ)
Những người Mỹ gốc Phi thường thực hiện nghi lễ “nhảy qua chổi”. Nguồn gốc của tập tục này rất mơ hồ nhưng nó có ý nghĩa như một sự khởi đầu trong việc tạo dựng một gia đình hạnh phúc của đôi vợ chồng mới cưới. “Nhảy qua chổi” là một nghi lễ đánh dấu việc cô dâu, chú rể chính thức bước vào một cuộc sống mới, tạo dựng một gia đình mới bằng hành động mang tính biểu tượng là “quét đi” cuộc sống độc thân của họ trước kia cũng như quét đi các mối bận tậm cũ và nhảy qua cây chổi để tiến vào một cuộc phiêu lưu mới trong vai trò là vợ chồng.
Bùa sắt, mạng che mặt và bình vỡ (Ý)
Tại Ý, đeo bùa là một tập quán dành cho chú rể còn cô dâu sẽ đeo mạng che mặt. Chú rể sẽ mang một miếng sắt trong túi vào ngày thành hôn. Người ta tin miếng bùa sẽ xua được mọi xui xẻo còn mạng che mặt được phủ xuống sẽ bảo vệ cô dâu tránh khỏi những linh hồn của quỷ dữ.
Đến cuối ngày thành hôn, cặp vợ chồng mới cưới sẽ đập vỡ một chiếc bình hay một tấm kính thành nhiều mảnh. Số lượng mảnh vỡ biểu thị cho số năm mà họ mong muốn cuộc hôn nhân của mình hạnh phúc.
Nghi thức tặng 13 đồng xu (Mêxicô)
Ở Mêxicô, trong suốt đám cưới chú rể sẽ tặng cho cô dâu một món quà gồm 13 đồng xu (còn gọi là arras) để tượng trưng cho Chúa Jesus và 12 tông đồ của ngài. Những đồng xu này sẽ được linh mục làm phép ban phúc lành và chứa đựng lời hứa của chú rể sẽ yêu thương, chăm lo cho vợ mình.
Cô dâu không được nhấc chân khỏi sàn khiêu vũ (Ireland)
Thời xưa ở Ireland các đôi uyên ương thường ăn cháo bột yến mạch với muối vào đầu tiệc cưới. Cả cô dâu và chú rể đều phải ăn 3 thìa đầy như một nghi thức bảo vệ họ chống lại sức mạnh của con mắt quỷ dữ.
Trong suốt buổi tiệc, khi đôi vợ chồng nhảy cùng nhau, chân cô dâu phải được giữ trên sàn. Người ta đồn rằng các vị tiên rất yêu thích những gì đẹp đẽ và thích nhất là cô dâu. Vì vậy, nếu cô dâu chỉ cần nhấc một chân khỏi mặt đất thì sẽ bị tiên cuốn đi.
Người Ireland cũng coi việc cô dâu hay bất kỳ ai dự tiệc mặc trang phục xanh lá cây tại đám cưới là một điềm gở. Một vận đen khác là cô dâu hoặc chú rể hát góp vui tại chính đám cưới của mình.
Nguồn : dantri.com