Shopping là "một phần không thể thiếu của cuộc sống". Tuy nhiên, không phải teen nào cũng biết cách mua sắm. 80% thường hối hận về những món đồ mình vừa mới mua trong vòng chưa đầy 10 phút!
Vì vậy, không phải ai cũng có "bí kíp bỏ túi" để "đương đầu" với những "phi vụ" shopping đòi hỏi cần phải tính toán sao cho vừa túi tiền. Những kinh nghiệm sau đây ít ai biết, rất quý báu và hữu dụng. Sở hữu các "bí quyết" này, bạn sẽ là một shopaholic tài tình, sẽ không còn chuyện "rỗng túi vào cuối tháng" nữa.
Liệt kê những gì bạn mua, tưởng tượng những điều bạn thích
Giả dụ, hôm đó bạn cần mua những trang phục cần thiết cho năm học mới và một số vật dụng, bạn hãy liệt kê tất cả vào một tờ giấy nhỏ, cố gắng lục trong trí nhớ những món đồ đã dự định mua lâu lắm rồi nhưng chưa có dịp mua.
Sau đó, hãy đặc mục tiêu nhất định cho những vật dụng ấy. Ví dụ, giá cả, mẫu mã, phiếu bảo hành, khuyến mãi...
Chẳng hạn, bạn cần mua:
- Bộ sách giáo khoa, sách tham khảo
- Một đôi giày
- Hộp bút
- Túi xách
- Lắc chân...
Và mục tiêu
- Sách giáo khoa phải mới; sách tham khảo phải hay, dễ hiểu...
- Đôi giày mẫu mã lạ, khác với những đôi giày trước đây, màu sáng, giá hợp lý
- Hộp búp to, nhiều ngăn, có thể đựng được tiền xu, thẻ học sinh, các phiếu mua hàng...
- Túi xách màu sáng, không thấm nước, kiểu đẹp
- Lắc chân bền, đẹp
Gạch bỏ những món không cần thiết
Ghi ra xong những món cần mua, đừng vội shopping. Hãy cân nhắc lại và gạch bỏ những thứ không cần thiết. Đó là cách tiết kiệm và giúp bạn không phải hối hận khi "thích nhất thời".
Với danh sách trên, bạn có thể đưa ra các lý do sau
- Sách giáo khoa buộc phải mua, sách tham khảo thì tùy môn
- Đôi giày cũ đã hỏng, cần phải mua giày mới
- Hộp bút cũ xài đã lâu, nay cần mua hộp mới nhiều công dụng hơn
- Mình còn khá nhiều túi xách bền và đẹp, còn khá mới => Không cần mua thêm
- Lắc chân có thể mua sau, vì chưa cần thiết
Do đó, những thứ cần mua còn lại là: sách giáo khoa, sách tham khảo, đôi giày, hộp bút.
Suy nghĩ cách mua hàng hiệu quả
Bạn phải tìm cách sao cho mua hàng với số tiền ít nhất có thể, đó là cách shopping thông minh. Với những thứ cần mua như trên, bạn sẽ phải "nhanh trí" như sau:
- Sách giáo khoa: Tìm đến những nhà sách đang giảm giá (nếu muốn mua sách mới), có thể "săn lùng" sách cũ, có thể dùng sách của anh chị để lại...
- Sách tham khảo: Chỉ mua những môn cần thiết, có thể đến các hiệu sách cũ, mượn của bạn bè, người quen...
- Đôi giày: Có thể mua ở các cửa hàng sale, có thể trả giá
- Hộp bút: Mua với tiêu chí: "Rẻ, bền, đẹp"
Đừng để vẻ hào nhoáng của món hàng đánh lừa bạn
Sẽ không ít lần bạn mua một món hàng và tiếc rẻ 5 phút sau đó, vì: "Mình đã có khá nhiều thứ tương tự, mua xong mới thấy nó không tốt như mình nghĩ, thật phí tiền!"
Do vậy, hãy xem xét kỹ, giả dụ, hãy xem từng đường nét, màu sắc của hộp bút, nhìn từng mũi kim của đôi giày thay vì "ngưỡng mộ" vẻ hào nhoáng của chúng.
Tưởng tượng món đồ ấy đã thuộc về bạn
Tưởng tượng càng nhiều càng tốt. Hãy liên tưởng bạn đã dùng hộp bút xinh xinh đó 1 năm, trông nó thế nào? Còn nguyên vẹn không? Màu sắc có phai nhạt không? Có dễ bị hỏng không? Đôi giày có dễ bị bung chỉ khi thấm nước? Bạn mang vào có hợp không? Giá thành như thế phải chăng chưa? Có bảo hành không? Giá thật sự của hai món hàng này là bao nhiêu?
Tưởng tượng càng nhiều, bạn càng quyết định đúng đắn. Đừng buồn khi đi hết shop này đến shop khác mà vẫn chưa tìm ra được món đồ ưng ý, thà như thế còn hơn chỉ đi một shop đã mang về một đống hàng "không ra gì".
Shopping thông minh sẽ giúp bạn "tậu" được nhiều món "hời". Hãy nắm bắt và thực hành, bạn sẽ nhận ra hiệu quả tức thời!