Xu hướng đề thi tuyển sinh mấy năm gần đây thường không quá khó, không đòi hỏi kỹ năng, thủ thuật giải toán phức tạp.
Vì thế, HS nên học kỹ từng bài trong sách giáo khoa, nắm vững những định nghĩa, tính chất, các hệ quả, định lý và giải bài tập thật nhiều theo từng cấp độ từ dễ đến khó.
Theo tôi, để học môn toán hiệu quả, học bài trên lớp xong về nhà HS cần đọc lại, học lại ngay với qui tắc “làm bài tập sớm nhất sau khi nghe giáo viên giảng lý thuyết”. Dĩ nhiên, đọc ngay nhưng không thể “thấm” ngay được mà cần làm bài tập thực hành. Một bài học cần đọc lại lý thuyết và làm bài tập khoảng ba lần như sau: lần 1 nghe giảng trên lớp xong, về nhà đọc lại đồng thời làm bài tập áp dụng (tức những bài toán mang tính cơ bản), tái hiện những ví dụ minh họa giáo viên đã làm trên lớp.
Nếu còn thời gian thì giải thêm một số bài nâng cao ở mức độ vừa. Lần 2 làm tiếp những bài toán nâng cao, khi làm bài tập đương nhiên HS cần tra lục lại lý thuyết. Lần thứ ba sẽ làm các bài khó nhất còn lại, rút ra vấn đề cốt lõi nhất của bài và viết nó vào sổ. Đến khi ôn tập thì đã có sẵn cái “sườn”, chỉ việc xem lại thôi.
Học môn toán cần sự bền bỉ và phải có kế hoạch, nề nếp học tập mới mong đạt hiệu quả cao. Tôi thấy nhiều em HS cứ đợi gần đến ngày thi hoặc gần đến ngày có tiết môn toán trên lớp mới “chạy nước rút”. Như vậy là không nên vì riêng môn toán học bài một lúc trong thời gian dài dễ gây mệt mỏi, chán nản và không thể nhớ được những gì cần nhớ. Cần học tuần tự theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, phải có thời gian nghiền ngẫm, làm đi làm lại nhiều dạng bài tập. Gần đến ngày thi thì nên sắp xếp kiến thức một cách có hệ thống, xem lại những chỗ nào mình hay quên, làm lại những chỗ hay nhầm lẫn. Đối với môn toán, người ta chỉ nhớ được cái gì mình đã hiểu chứ tăng tốc, học vẹt cao lắm chỉ nhớ được mấy ngày và độ an toàn không cao, rất dễ nhầm cái này với cái kia.
Theo H.HG (Nguồn: Tuổi Trẻ)