Kỳ thi tốt nghiệp sắp tới khiến không ít teen luôn bị “căng” như dây đàn. Vượt qua hay thất bại không chỉ ở kiến thức mà còn cần một tâm lý thật vững vàng nữa!
“Bái bai” kiểu học ôm đồm
Hai tuần trước ngày thi là khoảng lặng cần thiết cho các teen thư giãn và tổng hợp lại toàn bộ kiến thức. Hãy biết sử dụng nó đúng cách và hiệu quả, tránh tình trạng lao đầu vào học như điên bởi hậu quả của việc học không đúng cách này là rất lớn.
Những năm trước nhiều bạn lao vào học như điên trước ngày thi, có bạn học đến 4, 5 giờ sáng khi mệt quá mới ngủ gục ngay trên bàn học. Đêm ngủ quá ít nên ban ngày trạng thái lơ mơ chiếm 90%, cho dù có ngồi trên một đống sách vở thì tâm trạng bạn cũng như trên mây trên gió. Phụ huynh học sinh của một teen tâm sự: “Nhìn con học mà cô phát hoảng. Vừa hôm qua khoảng 5h cô dậy vẫn thấy đèn trong phòng sáng, cô mở cửa bước vào thì hoảng hồn khi thấy trán nó nóng hầm hầm, người thì vã mồ hôi. Cô sợ quá, sắp thi đến nơi rồi mà ốm thì chết!”
Hoàng, một học sinh chuyên Toán của truờng THPT Năng Khiếu Hàn Thuyên (Bắc Ninh) thì lại gặp stress với vụ gia sư kèm cặp. Cho dù còn 2 tuần trước khi thi bố mẹ cũng cố tìm cho cậu một chị gia sư về phụ đạo hai môn văn, sử, vốn là hai môn học Hoàng lơ mơ. Ngày nào cũng vậy cứ sáng văn chiều sử, tối lại văn. Cậu bạn càng học càng tỏ ra lơ mơ và phờ phạc. Tác phẩm của Xuân Diệu thì cắm cho mác Huy Cận, Chiến Dịch Điện Biên Phủ thì xiên sang Biên Giới Thu Đông. Chẳng biết vào phòng thi có còn nhớ được bài nào không với cái kiểu học nhồi nhét, học “lấy được” trong những ngày cuối cùng này.
“Không cần phải học thật nhiều thì kết quả mới mỹ mãn. Những ngày cận thi tớ chỉ học nhiều lắm là 6 tiếng, vậy mà vẫn đạt 55,6 điểm/6 môn đấy.” M.Tâm, cô sinh viên năm nhất Đại học kiến trúc Hà Nội tủm tỉm cười khi được hỏi về cách học của mình trong kì thi tốt nghiệp năm ngoái. Bạn thấy đó, đâu phải cứ học ít là sẽ trượt?
“Nhờ vả” kinh nghiệm của các anh chị
Có thể các teen cho rằng việc hỏi bí quyết cũng như kinh nghiệm của các anh chị khóa trước là không cần thiết vì đề mỗi năm một khác và các thầy cô coi thi mỗi năm lại đến từ các trường khác nhau. Nhưng hãy thử suy nghĩ lại mà xem nhé. Họ cũng đã từng lều chõng đi thi chắc chắn họ cũng có những lời khuyên bổ ích cho “đàn em” chứ nhỉ!
Chị tớ cũng là một "chuyên gia" với rất nhiều kinh nghiệm đó! (Hình chỉ mang tính minh họa)
Lan Phương, lớp 12A1 THPT Việt Đức đang hớn hở khoe với bạn bè rằng: “Hết sợ rồi, anh tớ vừa truyền cho tớ một lô kinh nghiệm trong thi cử nè, nào là tránh nhịn đói trước khi thi, thi tốt nghiệp đề cũng vừa sức thôi, còn có cả những mẹo vặt trong thi trắc nghiệm nữa…”
Những kinh nghiệm của học sinh truyền cho học sinh luôn “có tác dụng” hơn những lời khuyên răn của người lớn. Bạn thử mà xem!
Đừng quên chia sẻ cùng gia đình
Dù căng thẳng khi phải gồng mình với bài vở của 6 môn thi nhưng nhiều teen vẫn phải chịu áp lực lớn từ phía gia đình mình. Ngọc (PTTH Xuân Đỉnh) cho biết: “Chị mình năm ngoái thi tốt nghiệp đạt tận 54,5 điểm, bố mẹ đặt chỉ tiêu cho mình ít nhất là phải bằng số điểm của của chị ấy. Nghe thấy lo quá…” Sau đó, bạn chọn cách kể luôn với chị những lo lắng của mình. Hai chị em trao đổi tâm sự nhiều hơn và tâm lý căng thẳng đã đỡ hơn rất nhiều. Điều tuyệt vời nhất là dưới sự tác động của chị, bố mẹ dần hiểu ra vấn đề để tạo tâm lý thoải mái nhất cho Ngọc.
Còn Lan My, cô bạn lớp chuyên văn luôn chọn mẹ là người tâm sự cũng như “giải stress”, có bực tức hay mệt mỏi gì đều nói chuyện với mẹ. Không ai khác, chính mẹ bạn đã động viên My rất nhiều. Có sự ủng hộ từ “phương án người thân” như thế thì còn gì bằng, teen nhỉ!
Bố mẹ luôn là người bạn thân thiết và gần gũi với mình nhất, teen đừng quên nhé!
Và chia sẻ với bạn bè
Được nghỉ học một thời gian khá dài trước khi thi, nỗi nhớ truờng nhớ lớp cộng với những căng thẳng mệt mỏi sẽ làm bạn thật khó chịu. Hãy tự tạo thoải mái cho mình bằng kết nối với bạn bè. Alô cho thằng bạn thân hẹn đi ăn chè tâm sự đỡ nhớ chẳng hạn, rủ “người đó” đi ăn kem và lắng nghe những lời động viên của người ta, hoặc chỉ đơn giản là lên mạng trò chuyện cùng mọi người. Không gì quan trọng hơn tâm lý thoải mái lúc này đâu.
Có rất nhiều lời khuyên dành cho teen 12, nhưng có lẽ chính các bạn mới là người hiểu rõ đâu là lời khuyên tốt nhất với mình. Giữ vững tâm lý để tự tin bước vào giờ G, đó mới là mục tiêu của chúng ta, phải không nào!
Theo : Kenh 14