Phải thừa nhận rằng chức vô địch Premiership 08/09 của M.U thuộc loại thuyết phục nhất từ trước đến nay. Nhưng Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải – Ryan Giggs – tuy mang sắc áo M.U lại không hề thuyết phục như vậy.
Bởi ngoài Giggs, M.U còn khoảng nửa tá cầu thủ nữa có tầm ảnh hưởng tương đương trong mùa giải 08/09. Vidic là người được Ferguson ca ngợi hơn cả song ở hàng thủ, đóng góp của anh không thể hơn Edwin van der Sar. Các chuyên gia chọn Giggs nhưng rõ ràng, anh không ghi nhiều bàn thắng như Ronaldo và cũng không đóng góp vào lối chơi nhiều như Rooney. Tóm lại, ít nhất ngoài Giggs, M.U vẫn còn Rooney, Ronaldo, Vidic, Edwin van der Sar xứng đáng xếp ngang hàng cựu binh người xứ Wales.
Thực tiễn ấy nói lên rằng M.U 2009 lấy sức mạnh tổng hòa từ các cá nhân làm đòn bẩy đưa họ tới thành công. Và đó chính là điểm khiến họ trở nên hoàn hảo hơn cả M.U 98/99 hay M.U 07/08 – những đội bóng cũng từng được xếp vào hàng huyền thoại.
M.U 2009 luôn tạo được chiều sâu về lực lượng và sự ổn định
… nhưng cân bằng
Nói M.U 2009 hoàn hảo bởi họ là một tập thể cân bằng nhất mà Alex Ferguson từng có. Chẳng phải ngẫu nhiên mà sau trận hòa Arsenal, Ferguson cao hứng nói rằng “tôi có thể đưa ra ít nhất 2 đội hình”. Đấy là sự thật. Bởi nếu không có một chiều sâu lực lượng lý tưởng, cân bằng giữa những vị trí chính thức và dự bị, M.U sẽ không thể vượt qua Liverpool, Chelsea khi họ đã phải chơi tới 64 trận từ đầu mùa.
So sánh với M.U 98/99, M.U 2009 hơn hẳn ở điểm này. Mùa giải 98/99, M.U có những cá nhân kiệt xuất như Roy Keane, Beckham, Giggs, Stam nhưng phía sau họ là một khoảng trống mênh mông. Ngoại trừ hàng tiền đạo có 4 gương mặt xuất sắc, tất cả các tuyến còn lại chỉ cần khuyết 1-2 vị trí lập tức khiến M.U điêu đứng. Đó là thực tế đã được kiểm nghiệm ở cuối mùa 98/99. Nhưng năm 2009, Ferguson có thể xoay vòng mọi tuyến bởi ở bất kỳ vị trí nào, M.U cũng sở hữu 2 cầu thủ có năng lực gần như tương đương.
Sự cân bằng còn được thể hiện ở cách thức chơi bóng của M.U. Nó không còn duy mỹ như mùa 98/99 và được nâng lên một tầm mới về độ thực dụng so với mùa 07/08. Mùa này, M.U mới ghi 67 bàn nhưng thế là đủ vô địch. Bởi trong 37 trận đã chơi, M.U giữ sạch lưới tới 23 trận. So sánh với hàng thủ M.U 93/94 hay M.U 98/99, sự khác biệt rất rõ ràng.
Alex Ferguson từng nói M.U 2009 là M.U xuất sắc nhất mà ông từng dẫn dắt. Xét trên phương diện cá nhân, nhận xét ấy có thể chưa đúng. Nhưng xét trên phương diện của một tập thể, Ferguson có lý của mình. Và ông đang chứng minh cái lý đó bằng cơn mưa danh hiệu. Chỉ cần thêm Champions League 08/09 nữa thôi, lẽ phải sẽ thuộc về Ferguson.
M.U đã vô địch Premiership năm thứ 3 liên tiếp. Đó là thực tế không phải bàn cãi. Nhưng mùa tới, liệu họ có tiếp tục thống trị Premiership? Vô vàn những câu hỏi đã được đưa ra, nhất là xung quanh vấn đề nhân sự, cho nhà ĐKVĐ.
M.U sau ngày đăng quang
1. Ai thay Van der Sar?
Nếu van der Sar giải nghệ, theo logic, Foster sẽ lên thay thế. Tuy nhiên, thủ thành 26 tuổi người Anh chưa được sử dụng nhiều những năm qua. Anh chỉ được vào sân ở những trận cầu không quá quan trọng, hoặc trong trường hợp van der Sar chấn thương. Thế nên, tài năng và đẳng cấp của Foster vẫn còn cần được kiểm chứng. Không ngoại trừ, M.U sẽ có “người gác đền” mới.
2. Giggs, G.Neville, Scholes sẽ trụ đến bao giờ?
Không quá nếu nói rằng, Alex Ferguson đang tự làm khó chính mình, khi muốn các công thần tiếp tục chơi bóng. Đành rằng kinh nghiệm là thứ đáng quý, nhưng thử hỏi mùa này, ngoài Giggs, thì G.Neville hay Scholes đóng góp được bao nhiêu? E rằng quá ít ỏi. Bởi thế, dù họ có thể sẽ tiếp tục chơi cho M.U, nhưng cơ hội ra sân hẳn không nhiều.
Berbatov chưa xứng đáng với số tiền M.U bỏ ra
3. Đổi thay gì ở hàng công?
Tevez không muốn ra đi, nhưng anh không còn lựa chọn nào khác. Lý do: M.U đã có Berbatov. Nhưng rõ ràng, Berbatov không xứng với cái giá mà M.U đã bỏ ra để sở hữu anh. Thường thì, các tiền đạo thành công ngay khi cập bến Old Trafford. Tevez không phải ngoại lệ, nhưng Berbatov thì chưa. Sir Alex phải cân nhắc, nếu ông không muốn “đánh bạc” một năm nữa…
Theo Báo Bóng Đá